Hệ thống giao dịch forex hay hệ thống giao dịch tiền điện tử (crypto currency) là một phần trong kế hoạch giao dịch và nó cũng là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp trading của mọi trader.

Chắc hẳn những trader mới tham gia thị trường sẽ có rất nhiều câu hỏi như hệ thống giao dịch là gì? Làm sao để xây dựng hệ thống giao dịch? Trong phạm vi bài viết này, chúng  ta sẽ cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về cách mà các nhà giao dịch chuyên nghiệp đang xây dựng kế hoạch giao dịch cho riêng mình.

Hệ thống giao dịch

Hệ thống giao dịch

Kế hoạch giao dịch là gì?

Ở ngoài đời thực, chắc hẳn chúng ta đã nghe rất nhiều về câu nói “làm việc có kế hoạch“. Đúng là như vậy, một người làm việc có kế hoạch chắc chắn sẽ hoàn thành công việc hiệu quả hơn một người làm việc không có kế hoạch. Tuy nhiên, việc lập ra kế hoạch thôi là chưa đủ, một người thành công biết lập ra kế hoạch và biết tuân thủ kế hoạch của mình lập ra một cách chặt chẽ và nhất quán.

Công việc trading là một công việc rất khó khăn chứ không hề đơn giản như cái cách mà các tay mơ đang mơ tưởng. Chính vì thế, việc lập ra một kế hoạch cho công việc trading là thực sự cần thiết. Chúng ta không thể biết ngày mai thị trường sẽ di chuyển ra sao, chúng ta không thể dự đoán thị trường mà chỉ có thể phản ứng với thị trường. Cái cách mà chúng ta phản ứng với thị trường sẽ thể hiện trong kế hoạch giao dịch.

Do đó, việc lập ra một kế hoạch giao dịch sẽ giúp chúng ta không bất ngờ khi thị trường di chuyển theo một hướng bất kỳ nào đó. Giả sử bạn lập ra một kế hoạch: Nếu giá giảm về vùng này bạn sẽ làm gì? Nếu giá không giảm mà tăng tiếp thì bạn sẽ làm gì? Nếu các công cụ chỉ báo có tín hiệu giảm giá bạn sẽ làm gì? Nếu các công cụ chỉ báo tín hiệu tăng giá bạn sẽ làm gì?

Bạn biết đấy, khi một sự việc nào đó xảy ra mà nó lại nằm trong tính toán của bạn rồi thì bạn sẽ trở nên rất bình tĩnh để xử lý vấn đề. Và nó cũng chính là chìa khóa thành công cho các trader trong thị trường tài chính chứ không phải khả năng phân tích kỹ thuật phi thường hay khả năng dự đoán tương lai như Gia Cát Lượng.

Vậy tóm lại, kế hoạch giao dịch hiểu đơn giản là việc bạn lập ra các kịch bản có thể xảy ra của thị trường. Và có phương án đối phó khi các kịch bản đó xảy ra. Để làm được điều đó, bạn cần phải có sự trợ giúp củahệ thống giao dịch giúp bạn phân tích và đánh giá thị trường.

Có thể bạn quan tâm

Hệ thống giao dịch là gì?

Việc lập ra một kế hoạch giao dịch hoàn hảo phụ thuộc rất nhiều vào một hệ thống giao dịch, hệ thống ở đây có nghĩa là một sự kết hợp có logic của hai hoặc nhiều công cụ.

Hệ thống giao dịch là một phương pháp kết hợp có hệ thống và độ nhất quán các công cụ phân tích kỹ thuật được trader tuân thủ tuyệt đối nhằm xác định khi nào thì vào lệnh, khi nào thoát lệnh và đề cao việc quản trị rủi ro trong suốt quá trình trade. 

Khái niệm hệ thống giao dịch

Khái niệm hệ thống giao dịch

Mình chắc chắn rằng có nhiều bạn ở đây đã từng đi tìm rất nhiều các công cụ khác nhau với mong muốn tìm ra cái gọi là chén thánh với tỉ lệ thắng cao. Nhưng các bạn à, khi các bạn giành ra quá nhiều thời gian cho việc tìm ra một công cụ tuyệt vời đó thì cũng là lúc các bạn hiểu ra rằng trong thị trường tài chính này không có cái gì là chắc chắn cả. Sẽ không có một công cụ phân tích kỹ thuật nào chỉ có thắng mà không có thua. Tất cả chỉ là xác suất và điều mà chúng ta cần làm là nâng cao xác suất chiến thắng và hạn chế tối đa rủi ro bằng cách tìm ra một hệ thống giao dịch của riêng mình và luôn tuân thủ nó một cách nhất quán.

Tại sao mình lại nói là tuân thủ hệ thống giao dịch một cách nhất quán? Thực tế cho thấy rất nhiều trader mới dù đã xây dựng được một hệ thống giao dịch riêng nhưng khi có nhiều lần phán đoán sai thị trường lại mất niềm tin vào hệ thống giao dịch của mình. Sau đó lại tiếp tục tìm các công cụ mới với hy vọng có độ chính xác cao hơn, công việc này cứ lặp đi lặp lại khiến bạn càng ngày càng cảm thấy chán nản và không có lối thoát.

Do vậy, việc xây dựng hệ thống giao dịch cũng cần phải thực hiện một cách nghiêm túc ngay từ đầu nếu bạn không muốn mất nhiều thời gian vào cái vòng luẩn quẩn.

Các bước xây dựng thống giao dịch

Để xây dựng được một hệ thống giao dịch thì ngay từ đầu bạn phải xác định được phong cách giao dịch của bản thân cũng như các công cụ yêu thích và nguyên tắc quản lý rủi ro của từng công cụ. Sau đó kết hợp tất các các yếu tố đó thành một hệ thống giao dịch và phải tuân thủ tuyệt đối hệ thống đó.

Nếu hệ thống có cho ra kết quả thua lỗ thì bạn cũng phải chấp nhận đó là một phần của cuộc chơi. Đặc biệt là không được phép sợ hãi khi hệ thống cho ra kết quả không chính xác nhiều lần. Thay vì sợ hãi, hãy nghỉ ngơi để đầu óc thoải mái, lấy lại tự tin và tiếp tục giao dịch theo hệ thống đó.

Bước 1: Xác định phong cách giao dịch

Việc đầu tiên trước khi bắt tay vào xây dựng hệ thống giao dịch là bạn phải biết mình sẽ theo đuổi phong cách giao dịch nào? có 4 phong cách giao dịch mà bạn có thể định hình cho bản thân thông qua các khung thời gian giao dịch:

  • Scalping Trading
  • Day Trading
  • Swing Trading
  • Position Trading

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các phong cách giao dịch thông qua bài viết Time Frame trong trading này.

Bước 2: Tìm các công cụ phân tích kỹ thuật yêu thích phù hợp với bản thân

Ở bước này bạn có thể lựa chọn các công cụ phân tích kỹ thuật phù hợp với mình và rèn luyện nó thật thành thạo. Bạn không cần phải biết quá nhiều công cụ nhưng phải hiểu và vận dụng nó một cách sâu sắc và linh hoạt. Giống như Lý Tiểu Long đã nói “Tôi không sợ một người biết 1000 cú đá mà sợ người biết đá một cú đá 1000 lần”.

Bạn có thể lựa chọn phân tích theo hành động giá hoặc sử dụng các chỉ báo kỹ thuật và kết hợp chúng lại với nhau và tìm ra tiếng nói chung giữa các công cụ nhằm nâng cao xác suất chiến thắng.

Bản chất của một hệ thống giao dịch hiệu quả là việc tìm ra sự đồng thuận của các công cụ phân tích trong hệ thống. Như vậy nếu một hệ thống giao dịch có càng nhiều công cụ thì sẽ có càng ít cơ hội vào lệnh bởi vì sẽ có nhiều sự bất đồng giữa các công cụ.

Ví dụ về lựa chọn công cụ phân tích cho hệ thống như sau: mình sẽ lựa chọn sử dụng các ngưỡng hỗ trợ kháng cự, fibonacci, chỉ báo RSI, các mô hình nến, mô hình giá. Như vậy mình sẽ mua khi các công cụ trong hệ thống giao dịch của mình ở các trạng thái sau:

  • Giá hồi về vùng hỗ trợ
  • Có mẫu hình nến đảo chiều hoặc hình thành mô hình giá đảo chiều tăng giá
  • Fibonacci ở mức tỉ lệ vàng (0.5 – 0.618) của sóng tăng trước đó
  • RSI đã ở mức quá bán hoặc có tín hiệu phân kỳ tăng giá

Trên thực tế không nhất thiết chúng ta cần phải tìm được sự đồng thuận của 100% các công cụ trong hệ thống giao dịch. Nhưng để ra một quyết định vào lệnh thì phải nhận được sự đồng thuận của đa số các công cụ phân tích trong hệ thống.

Bước 3: Xác định bộ quy tắc cho hệ thống giao dịch dựa theo các công cụ phân tích kỹ thuật

Bản chất của hệ thống giao dịch là một hệ thống các nguyên tắc mà chúng ta đặt ra và phải làm theo một cách tuyệt đối trong xuyên suốt quá trình trading. Nguyên tắc này được xây dựng dưới dạng điều kiện nếu … thì …

Ví dụ trong hệ thống giao dịch có 2 công cụ A và công cụ B, quy tắc đặt ra là nếu A nói tăng giá và B nói tăng giá thì sẽ mua, nếu A nói giảm giá và B nói giảm giá thì sẽ bán. Như vậy chúng ta tuyệt đối không mua khi A nói lên còn B lại nói xuống.

Bước 4: Backtest quá khứ để xem xét tính hiệu quả của hệ thống giao dịch

Sau khi đã có được các công cụ cần thiết trong hệ thống gio dịch, chúng ta cần xem xét tính hiệu quả của các công cụ này trong quá khứ. Để làm việc này, các bạn có thể sử dụng tính năng replay trên Tradingview.

Sau khi xác định được độ hiệu quả, các bạn có thể bắt tay vào giao dịch thực chiến với hệ thống giao dịch của riêng mình.

Trên đây là những chia sẻ của mình về xây dựng kế hoạch giao dịch cũng như một hệ thống giao dịch hiệu quả trong trading. Hy vọng các bạn sớm xây dựng cho mình một hệ thống giao dịch như một trader chuyên nghiệp và sớm thành công trong sự nghiệp trading.