Nếu bạn là một trader theo trường phái phân tích kỹ thuật (TA) và đặc biệt là phân tích hành động giá (price action) thì việc đọc và hiểu được cấu trúc của một xu hướng hay biết cách xác định xu hướng trong trading là một điều cực kỳ quan trọng. Giao dịch theo xu hướng là một trong những yếu tố cơ bản giúp  chúng ta tránh được những rủi ro không đáng có.

Giao dịch theo xu hướng là gì?

Xu hướng thị trường hay còn gọi là trend là một phần trong cấu trúc thị trường (market structure), xu hướng thường xuất hiện sau một pha đi ngang (tích lũy hoặc phân phối). Khi giá thoát ra khỏi vùng đi ngang, xu hướng thường di chuyển rất nhanh và mạnh với những đỉnh đáy rõ ràng và giá liên tục phá đỉnh hoặc đáy trước đó.

Xu hướng thị trường trên một khung thời gian đại diện cho suy nghĩ của đám đông và dòng tiền thông minh của khung thời gian đó. Nếu đa số các nhà giao dịch bao gồm cả dòng tiền thông minh (các tổ chức, quỹ đầu tư, ngân hàng) mong muốn giá đi lên thì xu hướng của khung thời gian đó là xu hướng tăng.

Có thể bạn quan tâm

Tâm lý của đa số các trader đại diện cho tâm lý chung của thị trường, chính vì thế, việc chúng ta giao dịch ngược lại với suy nghĩ của thị trường sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro (trừ khi nó là điểm đảo chiều của xu hướng, vì tại đây đa số trader nhỏ lẻ sẽ phán đoán sai).

giao dịch theo xu hướng

Giao dịch theo xu hướng

Cách xác định xu hướng trong trading

Để giao dịch theo xu hướng một cách hiệu quả thì việc xác định được xu hướng thị trường là công việc đầu tiên mà trader cần phải làm trước khi xác định điểm vào lệnh. Chúng ta thường tìm vội vàng tìm kiếm điểm vào lệnh mà quên mất rằng chúng ta đang cưỡi trên con sóng nào của thị trường?

Xu hướng thị trường trong trading nói chung và xu hướng thị trường forex nói riêng gồm 2 loại chính là xu hướng tăng và xu hướng giảm. Nếu giá không thể tiếp diễn xu hướng hoặc đảo chiều xu hướng hiện tại thì ta gọi đó là cấu trúc không có hướng hay Trading Range.

Xu hướng tăng là gì? Cách xác định xu hướng tăng

Trong một khung thời gian nhất định, xu hướng mới nhất trên khung thời gian đó được gọi là xu hướng tăng (bullish) khi giá hình thành ít nhất 2 cặp đỉnh đáy cao dần. Khi giá phá qua và đóng nến cao hơn đỉnh thứ 2, ta nói xu hướng thị trường tiếp diễn xu hướng tăng.

 

xu hướng tăng
Xu hướng tăng là gì?

Xu hướng giảm là gì? Cách xác định xu hướng giảm

Trong một khung thời gian nhất định, xu hướng mới nhất trên khung thời gian đó được gọi là xu hướng giảm (bearish) khi giá hình thành ít nhất 2 cặp đỉnh đáy thấp dần. Khi giá phá qua và đóng nến thấp hơn đáy thứ 2, ta nói xu hướng thị trường tiếp diễn xu hướng giảm.

xu hướng giảm
Xu hướng giảm là gì?

Key level của một xu hướng

Key level là vùng quan trọng nhất của một xu hướng thị trường trên một khung thời gian nhất định. Nó là ranh giới để diễn ra sự đảo chiều của xu hướng hoặc bảo vệ được xu hướng hiện tại. Đây là nơi diễn ra sự đấu tranh quyết liệt giữa phe mua và phe bán để bảo vệ vị thế của mình.

  • Trong xu hướng tăng, key level của xu hướng tăng là đáy thấp nhất nằm giữa đỉnh cao nhất hiện tại và đỉnh cao nhất liền kề trước đó.
  • Trong xu hướng giảm, key level của xu hướng giảm là đỉnh cao nhất nằm giữa đáy thấp nhất hiện tại và đáy thấp nhất liền kề trước đó.
key level
Key level của một xu hướng

Thực tế khi xem xét trên biểu đổ nến thì việc xác định key level khó hơn nhiều. Chúng ta cần phải xác định các swing high và swing low (đỉnh đáy lớn) một cách rõ ràng, loại bỏ các đỉnh đáy nhỏ làm nhiễu xu hướng. Ở ví dụ dưới đây thì vùng đỉnh đáy màu vàng đóng vai trò là swing high và swing low. Chúng ta phải loại bỏ những đỉnh đáy nhỏ kẹp giữa các swing high và swing low thì mới có thể xác định chính xác key level.

key level
Xác định key level trên biểu đồ nến

Khi nào xu hướng đảo chiều

Khi giao dịch theo xu hướng, ngoài việc biết cách xác định xu hướng thì chúng ta cũng cần biết cách xác định khi nào xu hướng hiện tại bị đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm hoặc ngược lại.

Một xu hướng được coi là đảo chiều bao gồm điều kiện cầnđiều kiện đủ, việc xu hướng hiện tại bị gãy hay suy yếu là điều kiện cần và xu hướng mới được hình thành là điều kiện đủ.

Lưu ý: Điều kiện nào xảy ra trước đều hợp lệ, không nhất thiết xu hướng hiện tại bị gãy phải xảy ra trước, đôi khi chúng ta nhìn thấy một xu hướng mới hình thành trước khi xu hướng hiện tại bị gãy.

Xu hướng hiện tại suy yếu (gị gãy)

Khi giá phá qua và đóng nến qua key level của một xu hướng thì ta có thể nói xu hướng đó đã bị gãy hoặc suy yếu. Việc giá vi phạm key level của một xu hướng ta gọi là Change of Character (CHoCH), đây là một hành động tạm dừng xu hướng hay xu hướng hiện tại bị đe dọa sẽ đảo chiều. Xu hướng chưa thực sự đảo chiều nếu CHoCH xuất hiện mà chúng ta cần một hành động tiếp diễn sự suy yếu này để xác định xu hướng thực sư đảo chiều – nó cũng chính là điều kiện đủ.

xu hướng bị gãy
CHoCH – Mô tả xu hướng tăng bị đe dọa sẽ đảo chiều

Xu hướng mới hình thành

Ở hình trên chúng ta đã có điều kiện cần, giờ chúng ta cần điều kiện đủ để xác nhận rằng xu hướng giảm đã hình thành. Xem lại xu hướng giảm là gì? chúng ta cần 2 cặp đỉnh đáy thấp dần để xác nhận xu hướng giảm. Hiện tại chúng ta mới chỉ có 1 đỉnh và 1 đáy, vậy chúng ta cần 1 đỉnh thấp hơn và 1 đáy thấp hơn xuất hiện.

xu hướng đảo chiều
Xu hướng đảo chiều từ tăng sang giảm

Tại thời điểm này, chúng ta có thể nói xu hướng đã đảo chiều từ tăng sang giảm vì thỏa mãn 2 điều kiện: xu hướng tăng bị gãy, xu hướng giảm mới hình thành.

Ví dụ thực tế về xu hướng đảo chiều

Ví dụ thực tế trên cặp tiền EUR/USD. Chúng ta có thể thấy xu hướng đã đảo chiều từ tăng sang giảm: giá hình thành xu hướng giảm mới trước với các cặp đỉnh đáy thấp dần sau đó mới phá vỡ xu hướng tăng xu hướng tăng.

ví dụ về xu hướng đảo chiều
Xu hướng đảo chiều từ tăng sang giảm

Những lưu ý khi giao dịch theo xu hướng

Xu hướng thị trường crypto, xu hướng thị trường forex hay xu hướng thị trường chứng khoán đều có bản chất giống nhau và đều mang tính hỗn mang (xu hướng trên khung thời gian lớn bao hàm xu hướng của khung thời gian nhỏ hơn). Do đó, việc giao dịch theo xu hướng trên một khung thời gian duy nhất là chưa đủ.

xu huong hon mang
Xu hướng thị trường có tính hỗn mang

Việc kết hợp 1-2 thậm chí là 3 khung thời gian sẽ giảm rủi ro nhưng lại cho chúng ta ít cơ hội giao dịch hơn.

Tips: Với mình thì mình sẽ giao dịch với 2 khung thời gian là chính, mình sẽ sử dụng H4 để đi theo xu hướng chính và sử dụng M15 để vào lệnh (xác định điểm đảo chiều của M15 để vào lệnh). Ví dụ khi H4 đang ở xu hướng tăng thì H4 điều chỉnh sẽ tạo ra 1 xu hướng giảm trên M15. Và khi M15 đảo chiều từ giảm sang tăng chính là lúc mình vào lệnh buy thuận theo H4.

Việc sử dụng khung thời gian nhỏ để vào lệnh giúp mình có một khoảng dừng lỗ nhỏ hơn, do đó mình có thể tính khối lượng vào lệnh với một mức lot lớn để có tỉ lệ R:R tốt hơn.

Tuy nhiên không phải lúc nào khung thời gian nhỏ hơn diễn ra sự đảo chiều để thuận với xu hướng khung thời gian lớn hơn cũng là điểm vào đẹp. Chúng ta cần xác định trước những vùng cung cầu quan trọng, vùng giá Fibonacci quan trọng,… trên khung thời gian lớn và chờ đợi sử đảo chiều của khung thời gian nhỏ tại những vùng quan trọng hoặc hợp lưu của những vùng quan trọng này bằng các tín hiệu phân kỳ RSI.

Chúng ta thường thiếu kiên nhẫn, luôn tìm kiếm cơ hội giao dịch đảo chiều xu hướng vì nghĩ rằng việc xu hướng đảo chiều đang gần với mình nhất nên cơ hội sẽ xuất hiện sớm hơn mà không thể kiên nhẫn chờ đợt một setup giao dịch theo xu hướng. Tâm lý này thường xuất hiện khi chúng ta rơi vào trạng thái thua lỗ nhiều và muốn nhanh chóng gỡ lại.

Câu hỏi thường gặp

Xu hướng trên khung thời gian nào mạnh hơn?

Theo tìm hiểu cũng như kinh nghiệm cá nhân thì mình nghĩ khung thời gian càng lớn thì xu hướng của nó càng mạnh và càng đáng tin cậy

Có nên giao dịch ngược xu hướng không?

Có, việc giao dịch ngược xu hướng là hoàn toàn có thể nếu bạn thông thạo phân tích xu hướng đa khung thời gian