Các trader mới khi tham gia vào thị trường luôn tìm kiếm cho mình chén thánh bằng rất nhiều chỉ báo kỹ thuật phức tạp được thêm vào biểu đồ, điều này không những không đem lại hiệu quả mà ngược lại còn làm cho công việc trading trở nên phức tạp hơn, khó đưa ra quyết định hơn thậm chí là đưa ra những quyết định sai lầm.

Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng cũng như tính hiệu quả của các chỉ báo kỹ thuật (Indicators). Tuy nhiên, việc đọc hiểu cấu trúc thị trường và hành động giá sẽ giúp chúng ta có được lợi thế rất lớn trên thị trường. Hiểu cấu trúc thị trường giúp ta tìm kiếm lợi nhuận thuận theo xu hướng một cách đơn giản và bài bản. Đôi khi những chỉ báo kỹ thuật cho ta tín hiệu đẹp để vào lệnh nhưng có thể chúng ta lại vào lệnh ngược xu hướng chính dẫn đến thua lỗ.

Tại sao chúng ta cần phân tích xu hướng và hiểu cấu trúc thị trường

Một trong những lý do khiến các trader thua lỗ đó là giao dịch ngược xu hướng, giao dịch trong thị trường không có xu hướng (trading range) và giao dịch trong một xu hướng yếu.

Khi thị trường ở trong một xu hướng mạnh, giá luôn có những sóng đẩy mạnh (impulse wave) và những sóng hồi (pullback) để tạo ra những vùng cung cầu mạnh mà ở đó các trader tìm kiếm cơ hội giao dịch.

Cấu trúc thị trường và chu kỳ di chuyển

Giá di chuyển theo 4 giai đoạn

  • Thị trường tích lũy (sideway)
  • Thị trường tăng/giảm giá (tùy theo xu hướng đang là tăng hay giảm)
  • Thị trường phân phối (sideway)
  • Thị trường giảm/tăng giá (tùy theo xu hướng trước đó là tăng hay giảm)

Giai đoạn 1: Giai đoạn tích lũy (sideway)

Khi các tay to hoặc dòng tiền lớn trên thị trường hấp thụ hết các lệnh mua / bán của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, quá trình tích lũy hình thành với phạm vi giao dịch đi ngang. Tại đây giá sẽ tôn trọng các vùng hỗ trợ / kháng cự mà trước đó thị trường đã tạo ra và chỉ di chuyển lên xuống tại các mốc hỗ trợ / kháng cự này.

Những dấu hiệu nhận biết giai đoạn tích lũy trên biểu đồ:

  • Thân nến có chiều dài bình thường hoặc ngắn
  • Nến tăng và nến giảm xuất hiện đan xen
  • Khối lượng giao dịch thấp
  • Quá trình này thường mất nhiều thời gian
  • Giá di chuyển trong phạm vi hẹp
Thị trường trong giai đoạn tích lũy

Thị trường trong giai đoạn tích lũy

Chiến lược giao dịch trong thị trường sideway

Nếu nhìn trên biểu đồ chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy giá chạm bật tại các vùng hỗ trợ / kháng cự. Chúng ta hoàn toàn có thể giao dịch mua khi giá chạm hỗ trợ và bán khi giá chạm kháng cự. Tuy nhiên không ai biết giá sẽ phản ứng với các vùng hỗ trợ kháng cự này trong bao lâu và bao nhiêu lần. Vì thế, khi gặp thị trường sideway chúng ta nên chọn cách đứng ngoài và làm các công việc mà mình yêu thích. Chúng ta chỉ tham gia giao dịch khi giá thoát khỏi vùng giá đi ngang này.

Giao dịch vùng giá đi ngang

Giao dịch vùng giá đi ngang

Như ví dụ ở hình trên, ta chờ cho giá phá vỡ vùng hỗ trợ để tìm kiếm cơ hội vào lệnh. Với những trader rủi ro họ có thể vào lệnh ngay khi có một phá vỡ mạnh lên trên kháng cự, còn với các trader an toàn có thể chờ giá hồi lệnh vùng kháng cự cũ giờ là hỗ trợ (kháng cự bị phá vỡ).

Giai đoạn 2: Giai đoạn tăng/giảm giá trong cấu trúc thị trường

Đây là giai đoạn mà các dòng tiền lớn đổ vào thị trường và đẩy giá đi lên hoặc đi xuống một cách quyết liệt. Đây là lúc xu hướng được hình thành và nó được thể hiện bằng các đỉnh đáy cao dần (trong xu hướng tăng) và đỉnh đáy thấp dần (trong xu hướng giảm).

Xu hướng tăng

Xu hướng tăng – giai đoạn 2 của cấu trúc thị trường

Các dấu hiệu nhận biết một xu hướng tăng/giảm

  • Có nhiều nến tăng hơn nếu là xu hướng tăng, có nhiều nến giảm hơn nếu là xu hướng giảm
  • Trong xu hướng tăng: nến xanh dài hơn nến đỏ, trong xu hướng giảm: nến đỏ dài hơn nến xanh
  • Trong xu hướng tăng: khối lượng tăng trong các con sóng tăng, khối lượng giảm trong các con sóng giảm. Trong xu hướng giảm: khối lượng tăng trong các con sóng giảm, khối lượng giảm trong các con sóng tăng.

Cách giao dịch trong thị trường tăng/giảm

Trong một thị trường tăng/giảm mạnh, giá liên tục tạo ra các đỉnh đáy cao dần (xu hướng tăng) và đỉnh đáy thấp dần (xu hướng giảm). Chúng ta sẽ đánh dấu các mốc này như những vùng hỗ trợ (trong xu hướng tăng) và kháng cự (trong xu hướng giảm) để tìm kiếm cơ hội vào lệnh khi giá quay trở lại các vùng này.

Ví dụ dưới đây được thể hiện khi thị trường đang ở xu hướng tăng

Giao dịch trong xu hướng tăng

Giao dịch trong xu hướng tăng (cấu trúc thị trường)

Giai đoạn 3: Giai đoạn phân phối

Trong xu hướng tăng, khi giá đã đi lên cao thì giờ chính là lúc các tay to tìm cách thu lợi nhuận bằng cách bán ra. Lúc này người mua chính là những trader không hiểu rõ cấu trúc thị trường. Ngược lại trong một xu hướng giảm, các tay to tìm cách mua lại và những trader tiếp tục bán khống là những trader thiếu hiểu biết.

Cả 2 giai đoạn tích lũy và tăng / giảm trước đó đều chỉ để phục vụ lợi ích cho các tay to trên thị trường trong giai đoạn phân phối và giai đoạn kết thúc về sau. Người thua lỗ cuối cùng luôn là những người thiếu hiểu biết hoặc vì quá tham lam…

Giai đoạn 4: Giai đoạn kết thúc (thị trường giảm/tăng)

Nếu ở giai đoạn 2, xu hướng là xu hướng tăng thì ở giai đoạn kết thúc xu hướng sẽ là xu hướng giảm và ngược lại nếu ở giai đoạn 2 xu hướng là giảm thì giao đoạn kết thúc sẽ là tăng. Chu kỳ cứ lặp đi lặp lại như vậy để tạo nên một cấu trúc thị trường.

Tóm lại cấu trúc thị trường giúp chúng ta biết được chúng ta đang ở đâu trong một bức tranh lớn, giúp chúng ta tìm kiếm cơ hội giao dịch với mức rủi ro thấp hơn và có tỉ lệ chiến thắng cao hơn.