Khung thời gian (Time Frame) trong trading là gì?
Bạn sẽ dựa vào đâu để trả lời khi bạn được một ai đó hỏi rẳng “bạn là nhà đầu tư dài hạn hay ngắn hạn?”. Khung thời gian giao dịch (Time Frame) sẽ là chìa khóa để trả lời cho câu hỏi trên. Khi đọc và hiểu được nội dung bài viết này, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình.
Vậy Time Frame là gì mà nó lại có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tầm nhìn của một nhà giao dịch? Tại sao các khung thời gian giao dịch Forex lại quan trọng với các trader forex, tại sao khung thời gian giao dịch Bitcoin lại quan trọng với các nhà đầu tư coin?
Time frame chỉ khung thời gian giao dịch trên các thị trường tài chính có thể kể đến như thị trường forex, thị trường vàng, thị trường tiền mã hóa,… Mỗi trader có thể lựa chọn bất kỳ một time frame nào để tiến hành phân tích và giao dịch, phụ thuộc vào phong cách, chiến lược và tâm lý giao dịch của từng người.
Time Frame (khung thời gian) là gì?
Time Frame hay khung thời gian là khoảng thời gian biến động của một cây nến Nhật trong một phiên giao dịch, nghĩa là mỗi cây nến sẽ được hình thành và biến động lên xuống trong một khoảng thời gian nhất định, hết khoảng thời gian đó thì cây nến hiện tại được đóng lại và một cây nến mới khác được hình thành.
Ví dụ khi bạn mở khung thời gian 5 phút thì mỗi 5 phút sẽ có một cây nến được hình thành. Trong 5 phút, giá mở cửa ở một giá và có thể di chuyển lên hoặc xuống nhưng hết 5 phút giá sẽ đóng cửa ở một mức giá. Cụ thể giá mở cửa ở 7h00 tại 1898$, trong khoảng thời gian từ 7h00 tới 7h05 giá có thể di chuyển lên 1899$ rồi lại xuống 1895$. Nhưng khi đến đúng 7h05 cây nến của khung thời gian 5 phút sẽ đóng lại và mức giá tại thời điểm 7h05 (ví dụ 1897$) sẽ là giá đóng cửa. Như vậy trong khung thời gian 5 phút: giá mở cửa tại 1898$, giá thấp cao nhất 1899$, giá thấp nhất 1895$ và đóng cửa tại 1897$.
Time Frame nào được sử dụng nhiều nhất?
Bạn có thể lựa chọn bất kỳ một khung thời gian nào mà bạn muốn chỉ cần một con số và một đơn vị thời gian (Phút, Giờ, Ngày, Tuần,…). Ví dụ M5 (5 phút), M3 (3 Phút), H1 (1 giờ), H6(6 giờ),…Dưới đây là một số các khung thời gian được sử dụng nhiều nhất trong giao dịch forex hay giao dịch Bitcoin:
- M1: khung thời gian 1 phút
- M5: khung thời gian 5 phút
- M15: khung thời gian 15 phút
- M30: khung thời gian 30 phút
- H1: khung thời gian 1 giờ
- H4: khung thời gian 4 giờ
- D1: khung thời gian 1 ngày
- W1: khung thời gian 1 tuần
- MN: khung thời gian 1 tháng
Lựa chọn phong cách giao dịch theo Time Frame
Ở phần này chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp câu hỏi lựa chọn khung thời gian nào để giao dịch cho phù hợp với phong cách và tâm lý của mỗi trader. Và nó cũng là câu trả lời cho câu hỏi ở phần đầu của bài viết mà mình có đề cập tới.
Trên thị trường forex hay thị trường tiền mã hóa, có 4 phong cách giao dịch phổ biến, được phân loại dựa vào thời gian mà chúng ta giữ lệnh (vị thế): scalping trading, day trading, swing trading và position trading, mỗi phong cách sẽ có những time frame phù hợp với nó. Chính vì thế, điều quan trọng không phải là lựa chọn time frame nào mà là xác định các bạn đang giao dịch theo phong cách nào hoặc sẽ định hình bản thân mình theo phong cách giao dịch nào.
- Scalping trading (giao dịch lướt sóng): là phong cách giao dịch có thời gian nắm giữ vị thế rất ngắn, chỉ từ vài phút đến vài giờ. Những trader theo đuổi phong cách này là những người ưa thích sự nhanh chóng và có tính mạo hiểm cao. Họ có nhiều thời gian dành cho việc phân tích và giao dịch, một ngày có thể mở từ vài chục đến vài trăm lệnh, nên time frame phù hợp dành cho phong cách này là những time frame ngắn như M1, M5, hoặc M15.
- Day trading (giao dịch trong ngày): là phong cách giao dịch có thời gian nắm giữ vị thế từ vài giờ và đóng lệnh trước khi phiên giao dịch ngày kết thúc, nghĩa là sẽ không giữ lệnh qua đêm. Day trading cũng là một phong cách giao dịch ngắn hạn, cùng với scalping trading nhưng nó sử dụng các time frame dài hơn như M5, M15 hoặc H1. Đây cũng là phong cách được rất nhiều trader mới theo đuổi.
- Swing trading (giao dịch trung hạn): những người theo đuổi phong cách này thường không có quá nhiều thời gian dành cho công việc trading và theo dõi thị trường liên tục nên thời gian nắm giữ vị thế của họ từ vài ngày đến vài tuần. Khung thời gian phù hợp với phong cách này bao gồm H1, H4 hoặc D1.
- Position trading (giao dịch vị thế): là phong cách có thời gian nắm giữ vị thế dài nhất, từ vài tuần đến vài tháng. Những người theo đuổi phong cách giao dịch này thích sự an toàn và hướng đến lợi nhuận trong dài hạn hay đầu tư giá trị. Những time frame phù hợp với phong cách này thường là D1, W1 hoặc MN.
Vậy bây giờ bạn đã biết mình phù hợp với phong cách nào và đã trả lời được câu hỏi “bạn là nhà đầu tư dài hạn hay ngắn hạn” chưa?
Những lưu ý khi lựa chọn phong cách giao dịch dựa vào Time Frame
Theo như mình được biết thì phần lớn các Trader mới vào nghề thường lựa chọn phong cách Scalping vì đây là một phong cách giao dịch có kết quả nhanh chóng mà không cần mất quá nhiều thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, điều này dường như lại đang làm khó chính các newbie.
Thoạt nhìn thì có vẻ Scalping là phong cách dễ dàng bởi nó sử dụng các khung thời gian (Time Frame) nhỏ nên sẽ dễ đánh hơn và sẽ được các trader mới lựa chọn. Nhưng sự thật không phải vậy, các Time Frame nhỏ thường sẽ cho các tín hiệu nhiễu công thêm việc Time Frame nhỏ cũng được nhiều các chiến lược giao dịch thuật toán (robots) sử dụng. Bạn thử tưởng tượng xem 1 newbie sẽ như thế nào nếu phải đấu trí với hàng trăm hàng nghìn robot trên thị trường?
Do vậy, với các trader mới chúng ta chỉ nên xem xét phong cách giao dịch Scalping như một cách để thực hành thị trường thông qua các tài khoản demo trên sàn Exness hoặc tính khối lượng vào lệnh thật nhỏ để hạn chế rủi ro.
Phân tích đa khung thời gian (Multiple Time Frame Analysis)
Sau khi đã xác định cho mình phong cách giao dịch và các khung thời gian cho mỗi phong cách (thường là 3 khung thời gian) chúng ta bắt đầu phân tích từng khung thời gian một từ khung thời gian lớn nhất cho tới khung thời gian nhỏ nhất. Chúng ta cần tìm được sự đồng thuận của các khung thời gian cho một xu hướng của khung thời gian lớn nhất để vào lệnh.
Thông thường trong 3 khung thời gian, khung thời gian lớn nhất đóng vai trò là xu hướng chính, khung lớn thứ 2 là khung thời gian kiểm tra điều kiện thị trường (ủng hộ hay không ủng hộ Time Frame lớn nhất), khung thời gian nhỏ nhất là khung thời gian vào lệnh (chúng ta cần chờ đợi khung thời gian này đồng thuận với khung thời gian lớn nhất). Lý thuyết phân tích đa khung thời gian bằng 3 Time Frame này còn được gọi là lý thuyết tripple screen.
Dưới đây là một ví dụ thực tế về lệnh giao dịch theo phong cách Swing Trading trên biểu đồ Bitcoin. Vì đang áp dụng phong cách Swing Trading nên mình sẽ phân tích 3 khung thời gian là D1, H4, và H1.
Đầu tiên là khung thời gian D1: Giá hồi về vùng Fibonacci 0.5 của sóng tăng trước đó và cũng đang ở sát vùng đỉnh cũ bây giờ đóng vai trò là hỗ trợ cho giá.
Tiếp theo là khung thời gian H4: Trên khung thời gian H4 chúng ta dễ dàng nhìn thấy giá đang hình thành mô hình đảo chiều cái nêm giảm cộng thêm tín hiệu phân kỳ RSI.
Cuối cùng là khung thời gian H1 (Time Frame vào lệnh): Đây là khung thời gian mà chúng ta giành nhiều thời gian để quan sát nhất và tìm cơ hội vào lệnh. Trong ví dụ về phân tích đa khung thời gian này, mình chờ cho giá phá được ngưỡng kháng cự trên biểu đồ quanh mốc 48.000$. Sau đó tiếp tục chờ đợi giá test lại kháng cự cũ bây giờ đóng vai trò là hỗ trợ cho giá.
Kết luận: Sau khi đã hiểu time frame là gì? và xác định được phong cách giao dịch dựa theo tâm lý và quỹ thời gian của bản thân, chúng ta sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch giao dịch và phân tích đa khung thời gian để tối ưu hóa khả năng chiến thắng trên thị trường. Phân tích đa khung thời gian cho ta một cái nhìn bao quát hơn về thị trường thay vì chỉ nhìn vào một khung thời gian duy nhất.