Các loại mô hình tam giác và cách giao dịch mô hình tam giác
Trong phân tích kỹ thuật mô mình tam giác được gọi là một mẫu hình tiếp diễn xu hướng. Mẫu hình này thường xuất hiện sau một xu hướng mạnh, thị trường dừng lại để tích lũy và sẽ tiếp tục xu hướng hiện tại khi giá thoát ra khỏi mẫu hình tam giác. Đây là một trong những hành động giá rất hay gặp và đáng để theo dõi.
Khái niệm mô hình tam giác và bản chất của mô hình
Mô hình tam giác có thể được hiểu là một mô hình mà thị trường đang giao dịch theo hướng đi ngang. Khi bắt đầu hình thành, Các đỉnh và đáy đầu tiên thường có khoảng cách rộng nhất với nhau. Khi thị trường tiếp tục giao dịch theo hướng đi ngang, các đỉnh và đáy mới được hình thành nhưng với phạm vi hẹp hơn đỉnh và đáy trước đó. Do đó, mô hình tam giác cho thấy sự mất hứng thú của thị trường từ phía mua cũng như phía bán.
Các loại mẫu hình tam giác thường gặp
Cùng là các mẫu hình cho thấy thị trường có khả năng tiếp diễn xu hướng nhưng tùy vào xu hướng hiện tại là tăng hay giảm mà chúng ta có các loại mẫu hình tam giác khác nhau. Vậy có bao nhiêu loại mô hình tam giác? Dolazo sẽ cùng các bạn tìm hiểu các mô hình tam giác và cách giao dịch theo mô hình giá này nhé.
Mô hình tam giác hướng lên – mô hình tam giác tăng (Ascending Triangle Pattern)
Tam giác hướng lên thường xuất hiện trong một xu hướng tăng, mô hình tam giác này không chỉ dễ nhận biết mà còn cho chúng ta một tín hiệu vào hoặc ra. Chúng ta cần đảm bảo rằng xu hướng tăng trước đó đã được xác nhận và là một xu hướng tăng bên vững thì mô hình tam giác tăng này mới có giá trị tiếp diễn xu hướng tăng trước đó.
Bạn có thể thấy rằng khi một xu hướng tăng đang diễn ra, đường trendline hỗ trợ ở dưới được nối bởi các đáy có xu hướng dốc lên. Hai đỉnh tạo thành một đường kháng cự, 2 đỉnh này không cần phải chính xác cùng một mức giá nhưng có thể gần sát nhau tạo thành một đường ngang. Điều này thể hiện rằng phe gấu không thể đạp giá xuống để tạo ra một đỉnh thấp hơn (Lower Highs) trong khi đó phe bò đã thể hiện được sức mạnh của mình khi tạo ra được đánh sau cao hơn đáy trước (Higher Lows).
Cách giao dịch theo mô hình tam giác tăng
Hầu hết các trader sẽ đợi cho hành động giá phá vỡ lên cạnh trên (vùng kháng cự) của tam giác mở sẽ mở lệnh LONG tại đây. Kết hợp với một khối lượng giao dịch lớn tại vùng phá vỡ để đảm bảo sự phá vỡ này được xác nhận. Một cách khác an toàn hơn đó là chờ cho giá test lại vùng bị phá vỡ. Tuy nhiên nếu chờ đợi cú pullback này thì có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội giao dịch nếu giá không test lại vùng này.
Mô hình tam giác hướng xuống – mô hình tam giác giảm (Descending Triangle Pattern)
Ngược lại với tam giác tăng, mô hình tam giác giảm thường xuất hiện trong một xu hướng giảm. Khi tam giác bị phá vỡ vùng hỗ trợ (trendline dưới) sẽ tiếp tục xu hướng giảm trước đó.
Khi tam giác giảm được hình thành trong xu hướng giảm, chúng ta có thể thấy sức mạnh của phe gấu (phe bán) khi liên tục tạo được các đỉnh thấp dần (Lower Highs) còn phe bò lại thể hiện sự đuối sức khi chỉ chống cự được ở một mức giá gần giống nhau (tạo thành đường ngang hỗ trợ).
Cách giao dịch mô hình tam giác giảm
Cũng giống như mô hình tăng giá, chúng ta chờ điểm phá vỡ đường hỗ trợ (support line) với một khối lượng giao dịch đáng tin cậy để vào lệnh hoặc chờ một cú pullback về vùng hỗ trợ vừa bị phá vỡ.
Mô hình tam giác cân (Symmetrical Triangle Patterns)
Đây là một mô hình tam giác cho thấy sự lưỡng lự và nhàm chán của thị trường, khối lượng giao dịch thường sẽ ít dần khi tam giác thụ hẹp lại. Mô hình này cho thấy sự cân bằng cung cầu của thị trường và sẽ phá vỡ theo một hướng khó đoán trước.
Tuy nhiên, sau nhiều phiên dồn nén, mô hình tam giác cân sẽ phải đi theo một hướng của nó và có thể sẽ đi rất mạnh. Phần lớn các lần phá vỡ mô hình tam giác đều phá vỡ theo xu hướng trước khi hình thành tam giác. Chúng ta chờ sự phá vỡ kèm theo sự xác nhận của khối lượng giao dịch để đánh theo xu hướng chính.
Phá vỡ giả (false breakout) trong mô hình tam giác
Phá vỡ giả là một tín hiệu mà ở đó giá đã phá được cạnh trên của tam giác tăng và cạnh dưới của tam giác giảm tuy nhiên sau đó giá lại quay trở lại và đóng cửa bên trong tam giác. Phá vỡ giả cũng rất hay xảy ra đặc biệt là trong thị trường tiền mã hóa. Vậy làm sao chúng ta có thể tránh được những phá vỡ giả này?
Hãy chú ý đến khối lượng giao dịch tại thời điểm phá vỡ, tại đây chúng ta cần có 1 khối lượng giao dịch lớn đột biến. Hoặc chúng ta có thể chờ một cú pullback về điểm phá vỡ để vào lệnh.