“Stop hunt” là gì? Bản chất margin kill trong trading
Hầu hết chúng ta khi tham gia vào thị trường tài chính nói chung hay giao dịch forex, đặc biệt là giao dịch tiền điện tử nói riêng đều sẽ phải trải qua cảm giác bị dính những lệnh dừng lỗ một cách rất khó chịu. Điều đặc biệt là nó lại lặp đi lặp lại mà chúng ta không có cách nào thoát khỏi sự ám ảnh của nó khi giao dịch.
Không ít trong số chúng ta đã buông xuôi bằng cách không đặt stoploss mà để lệnh chạy tự do một cách đẩy rủi ro cho tài khoản. Bởi vì nếu có để stoploss đi chăng nữa thì tài khoản của chúng ta cũng bị bào mòn cho đến khi về 0 (chẳng khác gì so với việc chúng ta không để lệnh dừng lỗ cho tới khi cháy tài khoản luôn cả).
Nếu bạn là người mới thì có thể bạn cũng đã nghe qua thuật ngữ “stop hunt” rồi. Còn nếu bạn đã trải qua rồi thì cũng cùng mình đọc nốt bài viết này xem có tìm ra điều gì mới mẻ không nhé. Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu kỹ hơn để mổ xẻ hành vi giá và tâm lý giao dịch đằng sau stop hunt (săn stoploss) hay còn gọi là quét stoploss nhé.
Khái niệm stop hunt là gì?
Đầu tiên chúng ta cần phải mổ xẻ 2 từ trong cụm từ “stop hunt”: stop nghĩa là các lệnh dừng lỗ mà anh em đặt trên các sàn giao dịch forex hoặc sàn giao dịch crypto, hunt nghĩa là đi săn cụ thể ở đây là săn cách lệnh dừng lỗ của anh em mình (những trader nhỏ lẻ trên thị trường – cá con).
Vậy ai là thợ săn? Ngoài thuật ngữ stop hunt thì anh em có thể đã được nghe rất nhiều về thuật ngữ sàn kill long, sàn kill short hay sàn kill margin. Đến đây chắc anh em cũng đã thấy thợ săn lộ diện phần nào rồi chứ. Đúng vậy, các sàn giao dịch (nhà cái) là một trong những thợ săn stoploss trên thị trường tài chính. Đơn giản là vì sàn họ nắm hết thông tin giao dịch của anh em từ điểm vào lệnh, khối lượng vào lệnh, điểm dừng lỗ,….Chính vì thế mà họ biết tìm vùng để săn một cách hiệu quả.
Ngoài sàn ra còn các con cá mập khác trên thị trường như các tổ chức, quỹ đầu tư. Loại thợ săn này không có nhiều thông tin như sàn nhưng chúng nó có rất nhiều tiền, chúng nó có thể mua thông tin từ sàn và phân tích biểu đồ để tìm vùng săn hoặc thậm chí tạo ra vùng săn bằng cách thao túng giá.
Vùng săn (kill zone) là gì?
Vùng săn (kill zone) ở đây chính là vùng mà anh em chúng ta đặt stoploss (hay có thể gọi là vùng thanh khoản), khi bọn thợ săn nó biết số đông đặt stoploss ở đâu thì nó sẽ dìu giá chạm vào vùng này để kích hoạt lệnh stoploss của chúng ta. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao bọn thợ săn lại muốn kích hoạt lệnh dừng lỗ của chúng ta? Có phải bọn nó muốn chúng ta mất tiền không? Đúng vậy, nhưng chỉ đúng một phần thôi, bọn nó kill chúng ta không những làm chúng ta mất tiền mà còn có lợi cho bọn nó nữa đấy.
Bản chất của stop hunt là bẻ gãy các yếu tố phân tích kỹ thuật trên biểu đồ như các vùng hỗ trợ kháng cự, fibo, mô hình giá,…Đa số chúng ta khi mới vào nghề đều đã học qua các lý thuyết cơ bản rằng mua thì phải dừng lỗ dưới hỗ trợ, bán khống thì dừng lỗ trên kháng cự,..
Nhà cái đã lợi chúng chính điều này để kích hoạt hàng loạt các lệnh dừng lỗ bằng cách đẩy giá xuống dưới vùng hỗ trợ. Và sau đó thì kết quả như nào chắc bạn cũng biết rồi đó. Giá có xu hướng bật tăng mạnh mẽ khi phá qua hỗ trợ (cũng là khi chúng ta bị đá văng ra khỏi thị trường bằng 1 lệnh dừng lỗ đầy tiếc nuối).
Vậy tại sao giá lại có xu hướng di chuyển mạnh theo hướng chúng ta đã nhận định sau khi chúng ta bị dừng lỗ? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm nhé.
Hành động của cá mập và tâm lý của chúng ta đằng sau stop hunt
Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu khái niệm về thanh khoản, hiểu một cách đơn giản thì thanh khoản là việc chúng ta thực hiện mua hoặc bán một tài sản nào đó một cách dễ dàng. Nghĩa là khi chúng ta có nhu cầu mua thì có rất nhiều người bán và khi chúng ta muốn bán thì cũng có rất nhiều người muốn mua.
Thanh khoản bản chất chính là các lệnh chủ động (market order – khớp lệnh thị trường) của các trader nhỏ lẻ. Nó có thể là các lệnh buy stop (mua khi giá phá qua đỉnh) hay sell stop (bán khi giá phá qua đáy). Hai loại lệnh này cũng dùng để làm lệnh cắt lỗ (stoploss) khi giá vượt qua ngưỡng mà các trader xác định sẽ cắt lỗ.
Tại sao lại là lệnh chủ động? Vì lệnh chủ động sẽ được khớp với lệnh chờ (limit). Do đó thợ săn sẽ tìm mọi cách để kích hoạt các lệnh chủ động của nhà đầu tư nhỏ lẻ nhằm khớp với lệnh chờ của họ ở phía đối diện với một mức giả rẻ nhất và với khối lượng giao dịch cực lớn.
Giờ hãy đặt mình vào vị trí của thợ săn, giả sử rằng chúng ta đang có 1 triệu đô trong tay và muốn mua Bitcoin chẳng hạn. Bài toán đặt ra là chúng ta không thể khớp lệnh thị trường luôn được vì lệnh thị trường (market order) sẽ làm giá tăng rất nhanh vì nó được khớp với lệnh chờ bán (sell limit).
Do đó, chúng ta không thể mua ở một mức giá cố định được vì những lệnh chờ bán có nhiều mức giá cao khác nhau. Vậy chúng ta buộc phải đặt lệnh chờ mua thì mới có thể mua được giá rẻ nhưng nếu chờ mua thì ai sẽ bán cho chúng ta đây? Đúng rồi, làm mọi cách để đám đông phải cắt lỗ để bán cho mình.
Việc sàn kill margin hay cá mập săn stoploss chính là việc làm giá trên biểu đồ để tạo ra các vùng thanh khoản và sau đó đẩy giá vi phạm vùng thanh khoản khiến chúng ta bị stoploss và điều này giúp việc khớp lệnh mua hoặc bán của cá mập thực hiện dễ dàng hơn.
Ví dụ trong thị trường tăng giá, thợ săn luôn muốn mua với mức giá rẻ nhất và càng nhiều người bán rẻ cho họ càng tốt. Họ sẽ xác định các vùng hỗ trợ quan trọng – nơi mà nhiều trader nhỏ lẻ đặt dừng lỗ cho lệnh mua.
Sau đó thợ săn sẽ thao túng giá khiến giá xuống thấp hơn vùng hỗ trợ quan trọng này. Và lúc này, hàng loạt các lệnh dừng lỗ được kích hoạt khiến thị trường hoảng loạn, tiếp tục tham gia bán tháo. Khi đó, các lệnh chờ mua khối lượng lớn của thợ ăn sẽ được khớp 1 cách dễ dàng với mức giá thấp.
Ví dụ thực tế về việc kill long trên biểu đồ Bitcoin
Làm sao để không bị stop hunt?
Để hạn chế bị margin kill thì việc đầu tiên là chọn các sàn giao dịch uy tín, tuy nhiên việc nhà cái làm giá là điều chúng ta không thể tránh khỏi. Việc chọn sàn mà chơi chỉ giúp tâm lý chúng ta an tâm hơn một chút mà thôi.
Ngoài ra, các bạn cũng nên tập trung vào khung thời gian lớn vì khung thời gian nhỏ thì tần suất diễn ra stop hunt cũng nhiều hơn. Hãy luyện tập thật nhiều với phương pháp của mình để tìm ra những điểm nguy hiểm trên biểu đồ.
Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về quét stoploss hay stop hunt và có những giải pháp an toàn hơn khi giao dịch.