Cách vượt qua nỗi sợ khi giao dịch – kiểm soát tâm lý giao dịch
Sợ thua lỗ là một dạng tâm lý tồi tệ mà mỗi trader đều phải loại bỏ nó càng sớm càng tốt nếu muốn thành công trong trading. Chúng ta cần hiểu chúng ta đang sợ gì, và dám đối diện với nó chứ không phải lảng tránh nó, bởi không có ai lại phải né tránh người bạn của mình cả.
Những trader chuyên nghiệp luôn hiểu thấu những mặt tốt và mặt xấu của nỗi sợ trong giao dịch và họ biết cách kiểm soát nó. Nỗi sợ là điều ta không thể tránh, nó giống như một phản xạ hết sức tự nhiên của con người, nhưng khi bạn hoàn toàn hiểu được nó, kết quả giao dịch của bạn sẽ tốt dần lên mỗi ngày. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các kiểu sợ hãi trong giao dịch và cách để kiểm soát nó.
Tâm lý sợ thua lỗ trong giao dịch
Việc tham gia vào thị trường và giao dịch cũng giống như chúng ta mở một công ty và bắt đầu kinh doanh vậy. Hẳn chúng ta đã rất quen thuộc với câu nói “Thương trường là chiến trường”. Việc giao dịch cũng khắc nghiệt như vậy, chúng ta phải thừa nhận thua lỗ là một phần của cuộc chơi. Tuy nhiên việc thua lỗ liên tục khiến cho tâm lý giao dịch của trader trở nên rất tồi tệ và ngày càng trở nên sợ thua lỗ nhiều hơn. Thậm chí nhiều trader còn cảm thấy sợ khi nhìn vào biểu đồ và chỉ dám phân tích chứ không dám vào lệnh trong một thời gian dài thậm chí là rời bỏ thị trường.
Cuốn sách “Nhà giao dịch kỷ luật” của Mark Douglas đã chỉ ra rằng : sợ thua lỗ thường dẫn đến thua lỗ thật sự. Có một số trường hợp vì quá sợ hãi, không dám thua lỗ mà khiến chúng ta phải chịu một thua lỗ thực sự và thậm chí là kéo dài liên tiếp những lần thua lỗ. Ví dụ như:
- Đặt dừng lỗ quá gần: trong một số trường hợp thị trường biến động nhanh và mạnh, chúng ta sợ hãi vì không dám mất nhiều mà đặt điểm dừng lỗ quá gần và sau đó thị trường di chuyển ngược lại đến điểm dừng lỗ rồi mới đi theo hướng mà chúng ta vào lệnh.
- Dời điểm dừng lỗ về điểm hòa vốn quá sớm: một số trader mới tham gia thị trường vì quá sợ thua lỗ mà dời điểm dừng lỗ của mình về điểm hòa vốn quá sớm (dời điểm dừng lỗ ngay sau khi bắt đầu có một chút lợi nhuận), việc dời điểm dừng lỗ quá sớm khiến những biến động mạnh của thị trường cán điểm dừng lỗ của bạn trước khi di chuyển theo hướng có lợi.
- Tự đóng lệnh và chịu thua lỗ khi giá chưa di chuyển đến điểm dừng lỗ: tâm lý sợ hãi trong giao dịch này xảy ra khi chúng ta vào lệnh và đã đặt dừng lỗ. Tuy nhiên do theo dõi biểu đồ liên tục và thấy giá đang di chuyển gần đến điểm dừng lỗ (vẫn chưa bị dừng lỗ) nhưng chúng ta lại chủ động đóng lệnh và chịu một khoản lỗ. Sau đó thị trường lại di chuyển theo đúng kế hoạch ban đầu khiến chúng ta vô cùng tiếc nuối và khó chịu. Gần như chúng ta sẽ không dám vào lệnh lại mà chỉ dám nhìn giá chạy đi trong tiếc nuối.
Chúng ta cần xác định một số tiền có thể mất cho 1 giao dịch làm sao cho tâm lý chúng ta phải thật thoải mái khi lệnh giao dịch đó bị dừng lỗ. Tuyệt đối không bao giờ được phép không cắt lỗ mà kỳ vọng lệnh giao dịch sẽ trở lại điểm hòa vốn để thoát ra. Bản thân tôi những ngày đầu giao dịch rất hay mắc phải lỗi này, tôi ghét phải cắt lỗ, ghét việc chấp nhận mình sai.
Để vượt qua cảm giác sợ mất tiền khi giao dịch này, chúng ta có thể ngừng giao dịch tài khoản thật và thử giao dịch với tài khoản demo lấy lại tự tin hoặc giảm khối lượng vào lệnh cho các lệnh có điểm dừng lỗ ở xa.
Khi bạn đã tin tưởng bản thân mình để thực hiện phương pháp giao dịch mà không có sự chần chừ hay do dự, khi bạn có thể dứt khoát vào/thoát lệnh trên thị trường thì đó là lúc bạn có thể giao dịch tiền thật hay nâng mức độ rủi ro/lời lãi lên cho mỗi lệnh giao dịch.
Sợ mất cơ hội ngon ăn, sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO)
Thuật ngữ FOMO thì ai trong thị trường cũng từng nghe qua rồi, nó phản ánh nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội trong giao dịch. Nỗi sợ này có thể gây nguy hiểm nhiều hơn bạn tưởng, bởi nó hay dẫn dụ người giao dịch lao vào thị trường bằng mọi giá. Sự hứng thú, phấn khích luôn tiềm tàng tai họa cho tài khoản. Nếu bạn không loại bỏ được nỗi sợ này, bạn rất dễ rơi vào tình trạng giao dịch quá nhiều, mạo hiểm tiền bạc với những cơ hội không thật sự rõ ràng. Nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội này thường hay xuất hiện trong tâm lý giao dịch của đa số những nhà đầu tư ở thị trường tiền mã hóa bởi sự biến động nhanh và mạnh của thị trường này. Nhiều nhà đầu tư thường xuyên nghĩ rằng giá sẽ đi luôn và không bao giờ trở lại mức giá thấp hơn để có thể mua vào.
Số lượng lệnh giao dịch không phải là thứ mà bạn quan tâm, bạn nên quan tâm đến chất lượng của từng lệnh giao dịch. Hãy cảm thấy lo lắng khi mình giao dịch quá nhiều, chứ không phải quá ít.
Ngày mai, thị trường vẫn ở đó, đừng buồn, đừng khó chịu, đừng nuối tiếc nếu như bạn mất 1 vài cơ hội (mà bạn thấy) ngon ăn. Việc cẩn thận và lỡ mất cơ hội luôn tốt hơn việc bạn ép bản thân mình lao vào một cơ hội không rõ ràng hay khi thị trường chẳng cho ta một dấu hiệu để kiếm tiền. Con cá mất bao giờ cũng là con cá to, nhưng ngoài đại dương vẫn còn vô vàn những con cá to hơn khác, việc của chúng ta chỉ là chuẩn bị sức khỏe và tâm lí thật tốt để ngày mai lại giong buồm ra khơi, chứ không phải đêm nằm vẫn mơ về con cá vừa mất.
Sợ mình sai
Rất nhiều trader mới tham gia luôn tìm các phương pháp giao dịch có tỉ lệ thắng tuyệt đối mà họ quên mất rằng, giao dịch là một trò chơi mang tính xác suất. Chúng ta không thể kỳ vọng chúng ta có thể đúng 100% trong thị trường này. Vì vậy sẽ có những lúc hệ thống giao dịch của chúng ta có thể sai nhưng chúng ta vẫn có biện pháp để kiểm soát rủi ro đó và không để nó ăn mòn tài khoản của chúng ta quá nhiều.
Hiểu và kiểm soát các nỗi sợ khi giao dịch
Kế hoạch giao dịch của bạn phải có những tính toán với các cảm xúc mà bạn có thể có, đặc biệt là liên quan về nỗi sợ. Bạn phải chuyển những cảm xúc này sang sự tự tin, thứ cho phép bạn học hỏi được nhiều điều từ những sai lầm.
Bạn cần phải tin tưởng vào bản thân mình, vào năng lực kiếm được nhiều tiền hơn là thua lỗ. Dù cho đang có một chuỗi nhưng lệnh thua, bạn cũng không do dự mà vào lệnh khi thấy những sắp đặt đúng với phương pháp giao dịch của mình.
Những nhà giao dịch thành công là những người vượt qua các dạng của nỗi sợ khi đối mặt với thị trường, nạp thêm tự tin trong phương pháp/cách thức họ giao dịch, và bản thân họ cũng tự tin hơn qua mỗi ngày giao dịch.