Khái niệm và phương pháp xác định hỗ trợ / kháng cự (Support / Resistance)
Khái niệm về mức hỗ trợ kháng cự có lẽ là yếu tốt được quan tâm nhất của phân tích kỹ thuật. Khi phân tích biểu đồ giá của một mã cổ phiếu, tài sản hay tiền điện tử, thuật ngữ hỗ trợ kháng cự được các nhà giao dịch sử dụng để chỉ ra các mức giá trên biểu đồ có xu hướng hoạt động như các rào cản, ngăn cản giá của tài sản bị đẩy theo một hướng nhất định. Nghĩa là khi giá di chuyển đến các vùng hỗ trợ kháng cự sẽ có xu hướng di chuyển bật ngược trở lại (bounce back).
Dưới đây là một số điểm cần lưu ý khi tìm hiểu cũng như sử dụng các ngưỡng hỗ trợ kháng cự trong giao dịch trên thị trường tài chính.
- Các trader theo trường phái phân tích kỹ thuật sử dụng các mức hỗ trợ và kháng cự để xác định các điểm giá trên biểu đồ nơi có xác suất cao xảy ra việc tạm dừng của giá hoặc đảo chiều một xu hướng.
- Hỗ trợ xảy ra khi xu hướng giảm tạm dừng do sự tập trung của lực cầu mạnh (demand).
- Kháng cự xảy ra khi xu hướng tăng tạm dừng do sự tập trung của lực cung mạnh (supply).
- Tâm lý thị trường đóng một vai trò quan trọng khi các nhà giao dịch và nhà đầu tư nhớ lại quá khứ và phản ứng với các điều kiện thay đổi để dự đoán chuyển động của thị trường trong tương lai.
Định nghĩa hỗ trợ kháng cự
Hỗ trợ kháng cự là các vùng giá trong quá khứ mà tại đó giá đảo chiều hoặc di chuyển chậm lại trước khi tiếp tục xu hướng, và hành vi đó có khả năng lặp lại trong tương lai.
- Ngưỡng hỗ trợ là vùng giá mà các nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn. Tại đây áp lực mua chiếm ưu thế so với áp lực bán. Hầu hết các nhà đầu tư sẽ mua khi giá đi vào ngưỡng hỗ trợ.
- Ngưỡng kháng cự là vùng giá mà các nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ giảm thấp hơn. Tại đây áp lực bán chiếm ưu thế so với áp lực mua. Hầu hết các nhà đầu tư sẽ bán khi giá đi vào ngưỡng kháng cự.
Ví dụ về hỗ trợ kháng cự trong xu hướng tăng
- Khi giá đi lên và giảm điều chỉnh, vùng đỉnh cao nhất đạt được trước khi giá tiếp tục xu hướng tăng được gọi là vùng kháng cự.
- Khi giá tiếp tục tăng trở lại sau điều chỉnh, vùng đáy thấp nhất đạt được trước khi giá điều chỉnh trở lại được gọi là vùng hỗ trợ.
Cách xác định hỗ trợ kháng cự
Hỗ trợ kháng cự là vùng giá (zone) chứ không phải là một đường duy nhất trên biểu đồ, vì thế rất nhiều trader xác định sai ngưỡng hỗ trợ kháng cự, từ đó có những quyết định giao dịch sai.
Để đơn giản khi xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, bạn hãy lấy vùng giá của bóng nến làm vùng hỗ trợ kháng cự. Nếu vùng đỉnh đáy có nhiều nến, có thể lấy khoảng giá giữa giá cao nhất/thấp nhất và giá đóng/mở cửa gần nhất.
- Tại đỉnh, vùng kháng cự sẽ là khoảng giá giữa giá cao nhất và giá đóng/mở cửa.
- Tại đáy, vùng hỗ trợ là khoảng giá giữa giá thấp nhất và giá đóng/mở cửa.
Ví dụ về xác định vùng hỗ trợ
Ở ví dụ về cách xác định hỗ trợ trên biểu đồ giá Bitcoin, chúng ta có thể thấy một sóng điều chỉnh giảm và sau đó giá bật tăng mạnh trở lại. Trước khi sóng tăng xuất hiện đã có một cây nến pin bar đuôi dài và nối tiếp là một vài nến Nhật xếp lại tạo nên mẫu hình 2 đáy (mẫu hình đảo chiều xu hướng). Từ đó ta xác định cây nến pinbar và vùng nến tạo ra sau đó là vùng cơ sở và ta vẽ được một vùng giá từ bóng nến pinbar cho tới giá đóng của của cây nến này. Kéo dài vùng này ra thì ta có một vùng hỗ trợ và sẽ chờ đợi cơ hội mua lên (long) khi giá quay trở lại vùng giá này trong tương lai.
Chúng ta cùng xem tiếp diễn biến của giá vài ngày sau nhé:
Sau khi tăng mạnh, áp lực chốt lời đẩy giá quay trở lại vùng hỗ trợ mà ta xác định trước đó. Tại đây xuất hiện hai mẫu hình nến cho thấy xu hướng giảm tạm thời có thể đảo chiều thành tăng để tiếp tục xu hướng tăng chính.
Ví dụ về cách xác định vùng kháng cự
Trong ví dụ về cách xác định vùng kháng cự, đầu tiên chúng ta cần xác định vùng cơ sở (base) khởi đầu cho con sóng giảm. Ở ví dụ này, vùng cơ sở được xác định bằng cây nến pinbar giảm giá và mô hình hai đỉnh. Từ bóng nến của pinbar tới giá đóng cửa của cây nến này chúng ta vẽ được một vùng kháng cự.
Vùng hỗ trợ trở thành kháng cự và ngược lại
Khi các vùng hỗ trợ kháng cự được hình thành, giá sẽ có xu hướng phản ứng với các vùng này khi quay trở lại trong tương lai. Phần lớn phản ứng của giá là bật ngược lại khi chạm lại các vùng hỗ trợ kháng cự quan trọng. Chúng ta có thể hình dung là vùng hỗ trợ như là nền nhà, vùng kháng cự như trần nhà và giá là một trái bóng. Khi chúng ta đập trái bóng xuống nền nhà nó sẽ nảy lên cao, nếu chạm trần nhà nó sẽ rơi xuống.
Vậy nếu trường hợp phản ứng của giá không bật lại khi chạm hỗ trợ kháng cự thì sao? Đây chính là trường hợp mà tôi muốn nhắc đến. Nếu giá xuyên thủng hỗ trợ kháng cự thì ta gọi vùng bị giá xuyên thủng là hỗ trợ kháng cự bị vỡ (broken level hay broken support/resistance). Khi vùng kháng cự bị phá vỡ nó sẽ trở thành hỗ trợ, ngược lại khi vùng hỗ trợ bị phá vỡ nó sẽ trở thành kháng cự.
Ví dụ trên biểu đồ thực tế của Bitcoin về kháng cự trở thành hỗ trợ
Làm sao để xác định vùng hỗ trợ kháng cự mạnh hay yếu
Vùng hỗ trợ sẽ trở nên yếu dần khi giá quay trở lại nhiều lần mà không thể xuyên thủng (giá bật tăng khi trở lại hỗ trợ). Ngược lại, vùng kháng cự sẽ trở nên yếu dần khi giá hồi lên nhiều lần và bị từ chối (giá tiếp tục giảm khi quay lại kháng cự).
Vậy vùng hỗ trợ kháng cự sẽ mạnh khi nó ít những lần chạm của giá tại các vùng này. Và tất nhiên, khi các vùng này bị giá test nhiều lần thì nó sẽ càng dễ thủng.
Ví dụ thực tế về mức hỗ trợ trở nên yếu dần trên biểu đồ giá Bitcoin:
Bản chất sự yếu dần của vùng hỗ trợ chính là sự kiệt sức của phe mua sau nhiều lần hấp thụ lực bán từ phe bán. Ban đầu sau khi phá vỡ ngưỡng kháng cự, ngưỡng kháng cự này trở thành ngưỡng hỗ trợ và đây chắc chắn sẽ trở thành vùng cầu (demand zone) mạnh khi giá quay trở lại. Tuy nhiên lực cầu đẩy giá đi lên từ vùng này không đủ mạnh để đẩy giá đi xa hơn và dứt khoát hơn. Sau đó giá lại quay trở lại vùng này một lần nữa thì tâm lý các nhà đầu tư tại thời điểm này sẽ rất chán nản, ức chế và mất kiên nhẫn. Cộng thêm việc lượng người mua cũng đã ít dần tại vùng hỗ trợ này nên vùng hỗ trợ nếu bị test nhiều lần sẽ rất dễ bị thủng.